Thế Nào Là Một Bà Nội Trợ Tốt?

nhatkyhoclamme the nao la mot ba noi tro tot

Thế nào là một bà nội trợ tốt, hay, điều quan trọng nhất một người làm nội trợ cần có là gì?


Câu hỏi này là điều mình trăn trở khá lâu trong suốt 3 năm chấp nhận ở nhà nuôi con nhỏ và săn sóc gia đình. Và để trả lời mình xin phép chia sẻ câu chuyện của mình nhé.

Phải kể ra là mình không hề giỏi trong việc bếp núc hay thu dọn nhà cửa. Mình chỉ bắt đầu nấu ăn từ khi học đại học và kết quả thì hên xui. Bữa nào hên thì cũng tạm. Bữa nào xui thì... thôi bỏ qua. Cho đến tận bây giờ dù đã có kha khá món tủ, nhưng lâu lâu ông bà vẫn quên độ nên vẫn bị chồng con chê như thường. 

Thêm nữa lúc ấy mình vẫn đang có một công việc ổn định, công ty yêu thương, đồng nghiệp chan hòa. Theo lẽ thường thì mình sẽ chỉ nghỉ thai sản 6 tháng và quay lại tiếp tục công việc. Con thì có thể thuê giúp việc hoặc gửi trẻ sớm (trong trường hợp của mình thì ông bà không thể rời quê lên Sài Gòn chăm cháu). Thế nhưng lúc ấy mình đã quyết định nghỉ việc để chăm con một cách hết sức dễ dàng. 

Kể ra như vậy để làm rõ rằng nghỉ việc ở nhà nội trợ là quyết định của mình. Không ai ép buộc. Và mình tìm thấy ý nghĩa của việc ở bên con những năm tháng đầu đời quan trọng hơn xây dựng một sự nghiệp đang dần khởi sắc. 

Thế nhưng nếu nói hành trình của một bà nội trợ là một chuyến tàu dài thì với mình chuyến tàu ấy đôi lúc lao vào giông bão, đường đi gập ghềnh hay thậm chí, chệch khỏi đường ray. 

Dù đã xác định ban đầu rằng ở nhà đồng nghĩa với việc sẽ có những mối quan hệ không còn như trước nữa, mình sẽ ít gặp gỡ mọi người hơn, nhưng mình vẫn chạnh lòng vì cả ngày có khi cả tuần không giao tiếp với ai (tất nhiên ngoài chồng). Mình đã khá quen với việc gặp gỡ đồng nghiệp mỗi ngày. Quen với những chiều cùng các bạn order bánh trái trà sữa hay chúc mừng sinh nhật ai đó trong công ty. Quen với mỗi sáng thứ 7 cuối tuần mang sách đến The Coffee House Trần Huy Liệu chỉ để tận hưởng không khí đông đúc nhộn nhịp. Thế nên có kha khá lúc mình buồn bực và thèm nói chuyện với bạn bè kinh khủng. Nhưng rồi cũng không biết nói gì vì giờ đây chúng mình không còn nhiều điểm chung để mà chia sẻ. 

Dù đã xác định rằng làm nội trợ sẽ có kha khá việc nhà phải hoàn thành nhưng lâu lâu mình vẫn cảm thấy ngộp thở khi những việc cỏn con không tên lại nhiều đến mức mình không ngờ tới. Đã thế với cái tính cầu toàn nửa vời cứ thích xong cái này cái kia nên mình rất dễ cáu gắt nếu mọi việc không như ý. Mình không thể nào chịu nỗi nhà cửa bừa bộn, cơ mà có con rồi thì việc luôn ngăn nắp trở nên khó khăn vô cùng. Thế là mình cứ như cái núi lửa bốc hỏa, chỉ chực chờ cơ hội phun trào. 

Dù đã xác định sinh xong ở nhà không thể lúc nào cũng ăn mặc tươm tất như đi làm được. Cơ mà nhiều lúc bận rộn mình tìm thấy mình trong phiên bản luộm thuộm nhất. Và lại cực kỳ phiền muộn về điều đó. Những chiếc đầm xinh xắn bị xếp xó. Những bộ đồ hay ho cũng phải tặc lưỡi cho qua vì không tiện ẵm con, không tiện chạy theo con, không tiện chăm con. Ở nhà thì thoải mái nhất chỉ có liên khúc đồ bộ mà thôi. Và với cơ số lần thay tã, tắm cho con, dọn dẹp, nấu ăn xoay xoay cả ngày thì cả bộ đồ bộ sạch sẽ lúc sáng sẽ chẳng còn thơm tho thẳng thớm khi về chiều. 

Dù đã xác định sẽ có những "lời ong tiếng ve" bàn luận về việc "chỉ ở nhà chồng nuôi", "ôm con chẳng làm gì cả", thế nhưng khi đối mặt thật sự dù trực tiếp hay gián tiếp mình lại hụt hẫng vô bờ bến. Thường thì bây giờ phụ nữ, hay cả đàn ông, sẽ xem những thành tựu trong công việc là thước đo của giá trị con người mình. Vậy nên khi lâm vào cảnh mất việc sẽ có nhiều người ngỡ rằng mình đã mất tất cả. Khi không còn làm việc và kiếm ra tiền họ cho rằng mình đã vô giá trị. Một phần nào đó trong con người mình cũng đã nghĩ như vậy. Nên mình dễ dàng gục ngã trước cái nhìn soi mói theo thói quen của người đời. 

Hậu quả của những việc trên là gì? 

Là cuối một ngày dài, mình mang hết bực tức, bức bối, ấp ức, hậm hực đó đến chồng và con mình - những người mà đáng lẽ ra không được phép gây tổn thương cho họ. Điều này thật đáng buồn phải không? 

Chính lúc này mình mới nhận ra đâu là điều tốt nhất mình có thể mang lại cho gia đình, ở vị trí một người mẹ, người vợ làm nội trợ. 

Những món ngon nóng hổi không phải là điều quan trọng nhất. 

Nhà cửa sạch sẽ không phải điều quan trọng nhất. 

Con gái được chăm chút gọn gàng đáng yêu không phải điều quan trọng nhất.

Điều quan trọng nhất mình có thể mang lại cho chồng, cho con là một bến đỗ bình yên khi tìm đến. Và mình chỉ có thể làm được điều đó với tâm tình không muộn phiền, không xáo trộn lắng lo mà thôi. 

Mình đã tự hỏi liệu có thể luôn yên bình, luôn vui vẻ được như thế không, khi mình vẫn có những băn khoăn như đã kể trên kia. Liệu một ngày với đủ những biến cố xảy ra, mình còn có thể giữ được nụ cười như đã tâm niệm lúc đầu? Và rồi mình nhận ra mình sẽ làm được cả thôi, khi mình nhớ lại lý do khiến mình lựa chọn làm một bà nội trợ như thế này. Mình đã muốn chăm sóc cho gia đình, muốn mang lại những năm tháng đầu đời bình an cho con. Vì vậy mình quyết tâm phải thay đổi càng sớm càng tốt. 

Vấn đề thì to tát nhưng giải pháp lại khá đơn giản. Điều gì quan trọng nhất thì phải được ưu tiên. Mình muốn chú trọng mang lại niềm vui cho gia đình thì trước hết mình phải vui vẻ thoải mái cái đã. Vậy nên mình cho phép bản thân có thể thoải mái một tí, bớt cầu toàn một tí, lười biếng một tí dù cho việc nhà đang chồng chất. Nhiều việc quá thì có thể chờ chồng về san sẻ bớt. Hoặc tự hỏi mình liệu có cần hoàn thành việc đó ngay hay không, để mai được không? Bớt gây áp lực cho chính mình cũng là lúc mình cảm nhận được mọi điều diễn ra nhẹ nhàng hơn rất nhiều. 

Một người từng nói với mình rằng trong giai đoạn này chỉ cần cả nhà mạnh khỏe, vui vẻ là đủ. Thật vậy. Mình "tham vọng" quá nhiều nên mới cảm thấy hụt hẫng khi mọi việc xảy đến không như ý muốn. Mình muốn nhà cửa luôn gọn gàng. Mình muốn trông bản thân luôn tươm tất. Mình muốn con cái ngoan hiền. Mình muốn gặp gỡ và có những mối quan hệ hay ho. Mình muốn vừa có thể kiếm được tiền vừa chăm con giỏi. Mình còn muốn học ti tỉ thứ trên đời... Tất cả những điều đó làm lu mờ đi mục tiêu chính trong giai đoạn này. Tất cả đều không quan trọng đến như thế. Trên hết chỉ cần gia đình mình mạnh khỏe và trải qua ngày tháng vui vẻ. Thế là đủ rồi. 

Trong 3 năm làm nội trợ, thật ra mình có "khoảng nghỉ" nho nhỏ là được trở lại văn phòng và làm một công việc khá phù hợp với mình. Sau đó mình lại có bé thứ 2. Và cũng như trước mình lại lựa chọn ở nhà thêm một lần nữa. So với lần đầu thì lần này mình cảm thấy bình yên hơn vì có cơ hội nhận thức rõ ràng mục tiêu của mình. Rõ ràng so với việc tiếp tục phát triển sự nghiệp thì gia đình vẫn là lựa chọn được ưu tiên hơn cả. Mình không rõ mình sẽ làm nội trợ đến khi nào, nhưng đến bây giờ mình cảm thấy hài lòng và không hối hận về sự lựa chọn của mình.  

Sếp cũ của mình từng bảo đây là khoảng thời gian "nằm ổ". Đó là lúc mình tạm ngưng kết nối với thế giới bên ngoài để sẵn sàng kết nối cho những thứ quan trọng hơn. 

Trước hết ở nhà và im lặng là cơ hội để kết nối với bản thân. Mình nhận ra những vấn đề về sức khỏe và cả tinh thần mà trước đây do đi làm liên tục mà mình đã bỏ qua. Ở nhà cũng là lúc mình tìm ra những niềm đam mê mới, sở thích mới và biết đâu lại sẽ là cơ hội phát triển trong tương lai. 

Tiếp theo chính là kết nối với con. Theo mình thì không có gì quan trọng hơn trong năm tháng đầu đời của con bằng tình yêu thương của cha mẹ. Con mình sẽ không nhỏ bé mãi. Và sẽ đến ngày mình nhận ra lần cuối cưng nựng con như một em bé thiên thần đã xa lắm rồi. Nhận thức rõ điều đó khiến mình trân trọng giờ phút này hơn. Và biết ơn vì lựa chọn của chính mình. 

Một điều quan trọng là kết nối với người bạn đời của mình. Thay vì đòi hỏi chồng phải hiểu cho sự bận rộn của mình ở nhà, mình học cách cảm thông và chia sẻ những mệt mỏi của chồng khi về đến nhà. Mình hiểu thái độ của mình sẽ ảnh hưởng nhiều đến người mình thương yêu, vậy nên mình luôn tự nhắc nhở mỗi khi cơn cáu gắt nhăm nhe ập tới. Giữa những hơn thua, dằn vặt, càu nhàu, nhăn nhó, mình tự nhủ phải cố gắng lựa chọn sự thấu hiểu và niềm vui. Vì chỉ những điều đó mới mang lại hạnh phúc. 

Vậy đấy. Một bà nội trợ vui vẻ và mang lại bình yên cho gia đình mới là một bà nội trợ tốt. Đó chính là câu trả lời của mình. Cũng là kim chỉ nam của mình hàng ngày. 

Để làm được điều đó cần phải tìm được sự vui vẻ thật sự trong tâm hồn, bằng cách gỡ bỏ áp lực lên chính bản thân, cũng như xác định những điều cần được ưu tiên trong đời sống gia đình. 

Chỉ khi mình vui vẻ thì cả gia đình mới hạnh phúc được. Chỉ khi mình có thể chăm sóc bản thân thì mới có thể tự tin chăm sóc người khác. 

Thanh
30/6/2023









Đăng nhận xét

0 Nhận xét