Chúng ta nhiều khi chỉ cần đôi ba lựa chọn thật sự giản đơn để làm nên một cuộc sống rực rỡ mà thôi.
Cho dù mình thích mê một số môn handmade, trước đây chưa bao giờ mình nghĩ mình có thể làm ra một chiếc túi xinh đẹp như thế này cho riêng mình.
Cơ mà nghệ thuật macrame lại đơn giản đến mức khó tin. Một chiếc túi nhìn thì trông có vẻ cầu kỳ thật ra được tạo nên từ 2-3 loại nút thắt dễ dàng vô cùng. Chính sự thay đổi vị trí các nút thắt lại tạo nên một vẻ đẹp muôn hình vạn trạng của những chiếc túi.
Vậy nên học macrame theo mình là một môn dễ dàng cho các bạn mới học handmade và muốn nhanh nhanh có sản phẩm đẹp. Bạn có thể lựa chọn làm một chiếc túi xách tay đeo vai nhỏ xinh để đi dạo phố, một chiếc đeo chéo chắc chắn đựng những thứ linh tinh khi cần đi công việc hay một chiếc túi đan đựng cả thế giới để đi biển.
Cách làm có rất nhiều trên YouTube. Nguyên liệu thì dễ kiếm trên các trang thương mại điện tử. Order một ly trà sữa vừa nhâm nhi vừa đan giỏ vào sáng chúa nhật, hoặc tận dụng 30 phút mỗi đêm trước giờ đi ngủ. Thành quả sẽ rất đáng mong chờ!
Quay lại về chủ đề ngày hôm nay:
Mình học được gì khi làm những chiếc túi macrame?
Như đã nói ở trên, tất cả chiếc túi xinh đẹp này đều được tạo nên từ 2-3 những nút thắt đơn giản. Điều này khiến mình suy nghĩ về sự tối giản của những lựa chọn.
Trong cuốn sách Nghịch Lý Của Sự Lựa Chọn, tác giả đưa ra quan điềm rằng càng đứng trước nhiều sự lựa chọn, con người ta lại càng dễ rối bời, cuối cùng đi đến một quyết định không mấy tốt lắm. Chuyện này khá là dễ thấy trong thế giới của những đứa trẻ con. Càng nhiều đồ chơi, trẻ lại càng không biết phải chơi gì. Chúng dễ mất tập trung và cuối cùng có xu hướng quăng quật, đập phá đồ chơi nhiều hơn. Với người lớn chúng ta cũng vậy. Lựa chọn giữa A và B lúc nào cũng dễ hơn chọn giữa một chuỗi từ A đến Z.
Thế nên mình nghĩ sự lựa chọn càng ít có khi nào sẽ khiến cuộc sống của mình dễ tốt đẹp hơn, dễ đi đúng hướng hơn so với việc có quá nhiều ngã rẽ? Một chiếc túi chỉ được làm nên từ 2 loại nút thắt vẫn rất tinh tế và hữu dụng. Vậy một cuộc sống với càng ít sự lựa chọn, có thể nào sẽ càng thoải mái và dễ dàng phát triển hơn không?
1. "Lựa chọn cơ bản"
Khi nghĩ về điều này, mình cũng đã nghĩ đến việc làm sao có thể chắc chắn được rằng những lựa chọn cơ bản mà mình có sẽ là những lựa chọn tốt nhất? Liệu chỉ A và B là đủ? Sẽ thế nào nếu A và B đều không tốt bằng C, D, E, F - những thứ ở bên ngoài sự lựa chọn của ta?
Để biết được đâu là thứ tốt nhất, chúng ta cần có những trải nghiệm nhất định. Ta có thể dùng trải nghiệm của bản thân ta, hoặc của những người khác nữa. Và sau cùng, mình có thể rút ra những gì phù hợp với bản thân và đưa vào vòng "lựa chọn cơ bản" của mình. Mình nghĩ điều này có thể áp dụng ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống hàng ngày.
Lấy ví dụ như việc tận hưởng một buổi tối rảnh rỗi sau thời gian làm việc mệt mỏi, có hàng dài những lựa chọn như: xem phim, ra ngoài ăn tối, đọc sách, đi cafe với bạn bè,... Vì mình đã có một "hồ sơ trải nghiệm", bạn biết được rằng việc ra ngoài ăn vào tốt thứ 7 sẽ tốn thời gian đi xe máy và chen chúc trong một nhà hàng đông đúc, ồn ào. Đi cafe với bạn bè thì sẽ chỉ nói những chuyện không hay lắm ở nơi làm, dễ nói xấu người này người kia. Nằm nhà xem phim sẽ khiến mắt thêm mỏi vì đã nhìn màn hình cả ngày. Cuối cùng, còn sót lại hai lựa chọn bạn cho là có ích nhất: Đọc sách, chạy bộ. Mình liếc nhìn tủ sách có cuốn sách mới mua tháng trước đang đọc dở. Đây có lẽ là thời điểm tốt nhất để bắt đầu chương tiếp theo. Thế là chọn đọc sách. Chạy bộ sẽ là lựa chọn cho thứ 7 tuần sau.
Tất nhiên là phương pháp này không thể áp dụng cho toàn bộ những quyết định trong cuộc sống được. Nhưng lợi ích mang đến lại giúp mình có cuộc sống tốt hơn. Vậy nên mình vẫn cố gắng thực hiện càng nhiều càng tốt trong những công việc cần có sự quyết định hàng ngày. Như ăn sáng thay vì ăn ngoài thường xuyên, mình đặt hai lựa chọn tự nấu hoặc ăn đồ eat-clean nhanh - gọn - nhẹ, như sinh tố bơ với các loại hạt, sữa chua ngâm yến mạch. Lựa chọn quần áo mỗi ngày, mình xếp quần áo theo bộ đầu tuần và đến ngày nào là mặc luôn bộ đó, không phải mất công suy nghĩ.
2. Sử dụng thời gian
Đối với việc sử dụng thời gian, lâu dần mình rút ra 2 tiêu chí giúp mình chọn lựa công việc đúng hơn, đó là một: làm việc có ích hoặc hai: làm việc kiếm được tiền.
Nghe có vẻ hơi cứng nhắc. Nhưng phải nói thật là mình đã thay đổi rất nhiều từ khi quyết định sẽ hành động như vậy. Nhờ hai điều này, mình dễ dàng xác định điều gì nên và không nên làm, điều gì cần thiết và điều gì lãng phí thời gian. Thời gian lướt điện thoại giảm hẳn. Số sách đọc trong tháng đã vượt qua con số 1. Mình bắt đầu viết blog và kiếm được tiền trong thời gian bỉm sữa. Và còn rất nhiều điều khác nữa đã thay đổi. Tất cả đều bắt đầu từ việc tối ưu lựa chọn ban đầu.
"Việc làm kiếm ra tiền" thì dễ hiểu rồi, còn "việc làm có ích" là những gì? Mình nghĩ ai cũng sẽ có câu trả lời riêng cho mình, tùy vào hoàn cảnh, lối sống của từng người. Đối với mình, việc làm có ích là những việc giúp cho một khía cạnh nào đấy trong đời sống mình phát triển. Đó có thể là tình cảm gia đình khi mình dành thời gian chơi với con. Đó có thể là trau dồi kiến thức khi đọc sách, lướt những blog sâu sắc, học các khóa học hay ho. Đó còn có thể là thả mình thư giãn sau một ngày cố gắng bằng việc bật nhạc lên và chợp mắt một tí để rồi "hồi sức" cho những công việc tiếp theo. Hoặc cũng có thể là bỏ thời gian tìm mua một món đồ nào đấy chất lượng, vì mình biết mình sẽ nhìn lịch sự và tự tin hơn trong một chiếc áo, chiếc đầm thật đẹp. Giới hạn thì vô chừng lắm. Chừng nào bạn còn cảm nhận được năng lượng tích cực thu về từ một lựa chọn nào đấy, thì chừng đó việc bạn làm (có lẽ) là một việc có ích.
Nói tóm lại, đan chiếc túi xinh xinh kết từ 2 đến 3 loại nút thắt cũng giống cuộc đời vậy. Chúng ta nhiều khi chỉ cần đôi ba lựa chọn thật sự giản đơn để làm nên một cuộc sống rực rỡ mà thôi. Bài học Less is more có phải chăng cũng chỉ đơn giản như vậy?
Thanh Phạm
2.8.2023
0 Nhận xét