Bắt đầu mua sách từ khi nào?
Mình bắt đầu mua sách cho con từ rất sớm, từ khi... chưa có bầu Thảo Anh! Lúc ấy mình mua chỉ vì mình những cuốn sách ấy quá, và tưởng tượng sau này có con thì mình sẽ ôm con vào lòng, thủ thỉ cùng con về những con vật, câu từ ngộ nghĩnh trong cuốn sách ấy.
Sau này khi biết tin có Thảo Anh và Thảo Nguyên, một trong những mục mình ghi đậm trong danh sách cần làm chính là mua cơ man nào là sách. Sách cho mẹ để tìm hiểu cách chăm con, chơi với con, tập nói cùng con. Sách cho con nào thơ, vè, truyện giấy cứng, sách vải, sách truyện chữ...
Mình cũng dành ra một khoản tiền hàng tháng, dù không nhiều, để mua sách cho hai chị em. Thường chỉ tầm 300k-500k. Nhiêu đó thôi cũng đủ mua kha khá sách cho em bé rồi ấy. Những hôm vô tình gặp được những bộ truyện hay, bộ sách nhiều tập thì mình lại sẵn sàng chi nhiều hơn, dù không phải lúc nào mình cũng rủng rỉnh hay dư dả gì cả. Chia sẻ một chút về tình hình tài chính lúc con còn nhỏ xíu, có giai đoạn mình phải ở nhà chăm con, gánh nặng tài chính nằm hết cả lên vai chồng. Tuy sau này mình cũng nhận việc làm thêm, hay "khởi nghiệp" nho nhỏ bán sách cũ, sữa hạt, mọi chi tiêu trong gia đình vẫn tính gần hết vào tiền lương của chồng. Dù vậy hai vợ chồng mình vẫn chưa bao giờ tiếc khoản tiền mua sách cho con cả! Ba mẹ có thể không sắm quần áo mới lâu thật lâu, ăn uống dè sẻn lại một tí, tiết kiệm một chút bằng cách săn sale những món đồ cần thiết, nhưng mua sách cho con thì không bao giờ cần phải chờ đợi. Có chăng điều cần băn khoăn là sách đó có hay không, có phù hợp với độ tuổi của con bây giờ không? Vì thế nên mình sẽ tìm đọc review nhiều nhất có thể trước khi mua.
Chuyện đọc sách nên làm càng sớm càng tốt!
Còn về chuyện đọc sách cho con, mình bắt đầu đọc cho con nghe từ những tháng đầu tiên của thai kỳ. Khoảng thời gian ấy mình cảm thấy thật thần kỳ và bình yên làm sao. Những buổi tối sau khi đã cơm nước và dọn dẹp xong xuôi, mình lật từng trang trong cuốn sách Christmas Carols nhỏ xíu, thì thầm hát cho Thảo Anh đang nằm trong bụng mẹ nghe bài Away in A Manger, hay đọc vài câu truyện ngắn trong sách 280 Ngày Thai Giáo. Cái cảm giác con ở đây cùng mình trong căn trọ 40 mét vuông tính cả tường và trần nhà, dù chỉ là một sinh linh bé tí như hạt cải, được mẹ vuốt ve, âu yếm bằng từng câu chữ ấm áp, đối với mình thật thiêng liêng làm sao. Mãi sau này nhà mình có điều kiện dọn đến một căn hộ rộng rãi hơn, con lớn dần lên và được ba mẹ đọc cho nhiều sách hơn, khoảng thời gian dù khó khăn nhưng ấm áp ấy luôn là một trong những ký ức hạnh phúc nhất trong đời mình.
Trước đó, cô giáo dạy ngữ học tại trường đại học mà mình rất hâm mộ có chia sẻ rằng, các giác quan của em bé phát triển từ những tháng đầu tiên của thai kỳ. Thế nên việc đọc sách vào lúc này cực kỳ tốt. Mình có thể đọc cả sách tiếng Việt và tiếng Anh cũng như đọc bất kỳ thể loại nào mà không sợ bé phản đối (tất nhiên rồi!).
Sau này con lớn dần lên, vợ chồng mình luôn tạo môi trường để con được lớn lên giữa những cuốn sách. Giá sách nằm bên cạnh kệ đồ chơi. Sách được thoải mái mang vào phòng ngủ, ra ban công, xếp chồng lên sofa hay rải đầy dưới chiếu. Con được dùng sách làm đồ chơi, xây nhà, xếp hình, dùng làm ghế hay kệ đỡ để trèo lên những nơi cao hơn. Con có thể kêu ba mẹ đọc sách lúc nào có thể, và khi chơi mệt bé con lại nằm lăn ra, giơ cuốn sách lên cao để ngắm nhìn những hình ảnh đang nhảy múa. Đến cuối ngày, trước giờ đi ngủ, hai bé con sẽ phụ ba mẹ dọn dẹp và đưa các bạn sách "về nhà" trong giai điệu của bài hát "Dọn đồ chơi" được bật trên điện thoại mẹ.
Việc đọc sách cũng quan trọng như cơm bữa. Mình luôn muốn con no bụng và ăn nhiều đồ ăn ngon. Sách cũng nên đọc càng nhiều càng tốt và lựa chọn những quyển có chất lượng. Giờ cơm cũng như giờ đọc sách vẫn luôn cố định mỗi ngày, dù thỉnh thoảng con có "ăn vặt" trèo vào lòng ba mẹ đòi đọc sách bất kể lúc nào. Và cũng như ăn cơm, có những lúc con chỉ muốn ăn những món khoái khẩu mà "xa lánh" những món ngon lành khác, cũng như bộ First Little Reader 20 quyển con muốn mẹ đọc đi đọc lại đến ngán tận cổ. Những lúc ấy mình vẫn thấy sung sướng trong sự mệt mỏi các bạn ạ!
Cũng như nhiều em bé khác, hai em bé nhà mình rất thích xem các bài hát trên máy tính, điện thoại, tuy ba mẹ đã hạn chế hết mức bằng cách không mua tivi, quy định mỗi ngày xem 15 phút trên máy tính cách xa 3m sau khi ăn cơm xong. Nhưng những ngày ba mẹ có việc bận không xem được, con vẫn vui vẻ chơi một mình, không có mè nheo hay "nghiện" quá độ cả.
Mình nghĩ rằng việc tiếp xúc với sách - một hình thức giải trí đòi hỏi nhiều sự tập trung, đã rèn luyện cho con một khiên phòng vệ trước những thiết bị điện tử - nguồn của những hình thức giải trí ngắn hạn, không cần nhiều sự tập trung và dễ gây nghiện.
Vì yêu thích sách khó hơn nhiều so với việc yêu thích các chương trình vui nhộn trên điện thoại, máy tính, việc tiếp xúc với sách từ sớm cũng làm tăng cơ hội nuôi dưỡng tình yêu sách của con hơn. Đọc sách cho con càng sớm càng tốt, nhất là trước khi con tiếp xúc hay làm quen với những thiết bị điện tử và những thú vui khác.
Được ba mẹ đọc sách và nuôi dưỡng tình yêu sách là một trong những niềm hạnh phúc nhất mà các em bé có được trong đời. Cũng như việc một em bé không biết đến sách là gì trong suốt thời thơ ấu thì thật sự đáng buồn và đáng tiếc. Buồn cho em vì đã bỏ lỡ những thế giới khác to lớn và nhiệm mầu hơn bất kỳ thế giới nào mà em đang sống. Tiếc cho cho xã hội loài người vì đã không thể nuôi dưỡng một tâm hồn thiêng liêng và cao trọng đã từng được sinh ra. Trong khi chúng ta mãi băn khoăn về việc làm sao để trở thành ba mẹ tốt, thời gian vẫn trôi qua kẽ tay, có những việc mãi sẽ không thể nào quay lại để sửa chữa.
Mình muốn kết thúc bằng câu nói yêu thích này: "A child who reads will be an adult who thinks" - Sasha Salmina. Trong thế giới bé nhỏ của mình, mình chưa thấy ai ham mê đọc sách mà không có tâm hồn hướng thiện và khao khát khám phá thế giới cả. Mình mong con mình và cả những em bé khác sẽ có được niềm yêu thích đơn sơ nhưng không kém phần dạt dào dành cho sách từ những ngày ấu thơ.
Thanh Phạm
26/3/2024
0 Nhận xét