Điều tiếc nuối lớn nhất của mình sau khi đọc cuốn sách này là sao không đọc sớm hơn.
Từ việc chọn sách theo nhu cầu...
Mình nhận thấy trong mỗi giai đoạn trong cuộc đời, mình lại có những lựa chọn về sách khác nhau.
Chỉ vài năm trước, khi chưa đuề huề con cái như bây giờ, mình rất thích đọc các thể loại truyện giả tưởng, nhất là thể loại trinh thám và tâm lý xã hội. Càng dày, càng nặng mình càng thích. Càng nhiều plot twist mình càng mê. Thậm chí có giai đoạn mình có thể ngấu nghiến đến ba giờ sáng liên tục nhiều ngày liền những cuốn căng thẳng, cam go như Bí Mật Của Naoko, Bạch Dạ Hành, Phía Sau Nghi Can X, Trà Hoa Nữ,.. và say sưa những cuốn buồn man mát của Nguyễn Ngọc Tư.
Khi ấy mình còn khá thư thả, cuộc sống không có nhiều áp lực, cộng thêm công việc lại liên quan đến câu chữ, nên có nhiều thời gian và năng lượng để tập trung đọc những thể loại như vậy.
Cho đến hiện tại thì ưu tiên của mình đã thay đổi và mình không còn đọc thể thỏa mãn sở thích cá nhân nữa. Sách trên kệ dạo gần đây toàn về nuôi dạy con trẻ, và quan trọng hơn nữa là sách về tìm hiểu và thay đổi bản thân.
Điều này cũng hợp lý vì nuôi con chính là sửa mình mà. Thậm chí kể từ lúc đọc những cuốn sách tìm hiểu về bản ngã, mình cảm thấy việc đối thoại với con trở nên tích cực hơn. Có hai cuốn mình muốn giới thiệu là Hiểu Về Trái Tim và Power Vs Force - Trường Năng Lượng Và Những Nhân Tố Quyết Định Hành Vi Của Con Người.
Cuốn Power vs Force mình sẽ viết review ở một bài khác, còn trong bài này mình muốn chia sẻ về cuốn Hiểu Về Trái Tim, cũng như cách những suy nghĩ của mình đã thay đổi thế nào về việc tu tâm dưỡng tính từ cuốn sách này.
Sách được viết từ những trải nghiệm và tri thức cực kỳ sâu sắc của thiền sư Minh Niệm, về những khái niệm đời thường bị chi phối bởi cảm xúc, nhằm mục đích mang đến một sự thấu cảm cho chính mình và cái nhìn thanh thản trước mọi sự vô thường.
50 chủ để xoay quanh hỉ nộ ái ố của con người, như là Khổ đau, Tình yêu, Hạnh phúc, Ghen tuông, Tha thứ, Lắng nghe, Tạ ơn,... được tác giả diễn giải với ngòi bút mộc mạc, dễ đọc và đọng lại rất lâu đối với mình.
Ở mỗi mục thầy Minh Niệm giúp người đọc soi rọi từng ngóc ngách trong những cung bậc cảm xúc và sau đó nêu lên cách giải quyết để hướng đến một cuộc sống hạnh phúc hơn. Cá nhân mình thì rất thấm những diễn giải của tác giả, nhưng phần cách giải quyết mình lại không thấy cần thiết cho lắm.
Bản chất của việc giải quyết vấn đề thật ra nằm ở việc đi sâu phân tách từng gốc rễ, là trả lời cho câu hỏi "tại sao". Từ đó mỗi người, mỗi hoàn cảnh sẽ tự rút ra lời đáp cho câu "thế nào" cho riêng mình. Việc chỉ rõ ngọn nguồn thì cuốn sách đã làm rất tốt rồi, vậy nên giá mà cuốn sách giao công việc giải quyết lại cho người đọc thì mình nghĩ rằng mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi nhận thức sẽ đưa ra được câu trả lời phù hợp với mình. Việc đưa ra một đáp án "chính thức" như thế này cũng phần nào hạn chế khao khát tìm câu trả lời và giảm bớt thôi thúc tự mình tìm kiếm một lối đi riêng.
Điểm mình ngạc nhiên nhất là làm thế nào tác giả có thể truyền tải những chiêm nghiệm thông tuệ bằng ngôn từ mộc mạc đến vậy. Cũng chính bởi vì giọng văn tinh tế như là lời thủ thỉ nhắc nhở từ một người đi trước mà mình đánh giá rất cao cuốn sách này. Nếu trí tuệ uyên thâm mà diễn giải ở ngôn ngữ cao siêu thì không thể nào tiếp cận được số đông người đọc. Minh triết nằm gọn trong câu từ giản dị mới là thứ minh triết mà người đọc cần. Sách về sự hiểu chính mình có lẽ không ít, nhưng mà tìm được một cuốn vừa sâu sắc vừa dễ truyền tải như thế này thật sự là một điều may mắn.
... đến việc nhận ra có những thứ cần được ưu tiên dù ở bất kỳ giai đoạn nào.
Theo phương pháp giáo dục Steiner Waldorf, điều quan trọng nhất một đứa trẻ cần phải học hỏi ở những năm đầu đời không phải là kiến thức về thế giới bên ngoài, mà chính là học để hiểu chính mình. Biết mình là ai, biết mình mong muốn điều gì, biết đâu là giới hạn của mình. Những điều này tưởng chừng như cơ bản nhưng người lớn mấy ai không mơ hồ về câu trả lời?
Vậy nên một cuốn sách sâu sắc dẫn dắt ta trên con đường hiểu về cội nguồn trong tim mình là một kho báu ở bất kỳ độ tuổi nào.
Như đã nói ở trên mình tìm đến cuốn sách này khi đang trong giai đoạn tập làm mẹ, có nhu cầu sửa mình để có thể nuôi dạy con tốt hơn. Tuy nhiên giá mà mình ý thức được việc tu dưỡng tâm tính cần phải được ý thức từ sớm hơn, giá mà mình đọc cuốn này giữa những năm tuổi 20, hay thậm chí lúc đang còn thiếu niên, cuộc sống của mình chắc hẳn sẽ tích cực hơn rất nhiều.
Mình vẫn đọc đi đọc lại cuốn sách này mỗi khi có cơ hội. Chẳng vì nhu cầu nào cả. Chỉ là cuốn sách này có một sự cuốn hút mà mình không cưỡng lại được. Nói như điều mình học được từ cuốn Power Vs Force, năng lượng tích cực từ cuốn sách là thứ mà trái tim mỗi người cần. Để hiểu và yêu thương bản thân. Cũng như yêu thương những người xung quanh mình.
12/4/2024
Thanh
0 Nhận xét